LỜI DẶN SAU PHẪU THUẬT KÉO DÀI THÂN RĂNG

LỜI DẶN SAU PHẪU THUẬT KÉO DÀI THÂN RĂNG

Mục lục

Theo dõi và chăm sóc sau phẫu thuật làm dài thân răng?

  • Sau phẫu thuật bạn sẽ trải nghiệm cảm giác khó chịu và đau quanh nướu. Tuy nhiên những biểu hiện này sẽ được kiểm soát bằng thuốc giảm đau và nước súc miệng theo toa của bác sĩ.
  • Trong vài giờ đầu tiên bạn nên dùng túi chườm lạnh trên vùng phẫu thuật. Điều này giúp giảm đau và sưng nề tại chỗ.
  1. SỬ DỤNG THUỐC KHÁNG SINH

– Uống thuốc kháng sinh, chống viêm, chống phù nề từ 5-7 ngày theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

  1. CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG

– Nên ăn những đồ nguội và ấm.

– Nên ăn thức ăn mềm trong 1 tuần, tránh ăn thức ăn quá cứng sau khi phẫu thuật.

– Thức ăn mềm và lỏng như cháo và soup (để nguội) sẽ giúp việc ăn uống của bạn trở nên dễ dàng hơn và không làm ảnh hưởng tới vùng nướu vừa được can thiệp.

– Sau phẫu thuật nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng để giúp nhanh lành thương.

– Tránh ăn uống thực phẩm quá cay nóng, có nhiều axit vì chúng sẽ gây kích ứng, khiến vùng phẫu thuật bị viêm nhiễm.

– Bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp vết thương nhanh hồi phục như sữa chua, phô mát, các loại rau xanh, các loại trái cây tươi, bột yến mạch,…

– Tránh sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, cà phê,… Đây là những nguyên nhân hàng đầu khiến vết thương dễ bị viêm nhiễm, lâu hồi phục.

  1. CHẾ ĐỘ CHĂM SÓC VỆ SINH RĂNG MIỆNG

– Vệ sinh răng miệng giai đoạn này cũng rất quan trọng, sau khi phẫu thuật các bạn nên dừng sử dụng bàn chải đánh răng trong vài ngày đầu (không chải răng vào vùng phẫu thuật trong 2 tuần đầu tiên) theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bạn có thể đánh răng nhưng tránh đánh răng ở gần mũi khâu và nướu. Thời gian sau chải răng nhẹ nhàng, tránh đè mạnh vào nướu có thể gây đau rát.

– Từ tuần thứ 2, chải răng nhẹ nhàng bằng bàn chải rất mềm.

– Bệnh nhân được chỉ dẫn không nên chải ở gần hoặc ngay vị trí phẫu thuật nhưng phải súc miệng chlorhexidine 0.12% hoặc nước muối ấm hằng ngày, bệnh nhân cũng được chỉ dẫn không nhai tại vùng bị ảnh hưởng trong ít nhất 2 tuần.

– Bạn có thể nhẹ nhàng loại bỏ thức ăn còn sót lại kẽ răng bằng tăm hoặc dụng cụ xịt nước.

  1. TUÂN THỦ LỊCH HẸN CỦA BÁC SĨ

– Tái khám đúng lịch theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, nếu có dấu hiệu bất thường như: chảy máu nhiều, sưng lớn, hãy gọi điện thoại cho bác sĩ nha khoa hay đến phòng khám để kiểm tra lại.

– Trở lại tái khám trong khoảng 7-14 ngày để cắt chỉ khâu .

Thăm khám và kiểm tra định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi tình huống răng miệng, lành thương, nhớ uống thuốc theo đơn của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc mà chưa có sự đồng ý của chuyên gia nha khoa.

Liên hệ với nha sĩ của bạn trong các trường hợp:

  • Mô nướu của bạn chảy máu không cầm được.
  • Thuốc giảm đau không có tác dụng.
  • Nghi ngờ khu vực phẫu thuật có thể bị nhiễm trùng
  • Vùng phẫu thuật sưng nề nhiều.
  • Chỉ khâu trở nên lỏng hoặc rơi ra.
  • Cảm thấy các cục u ở vùng dưới hàm hoặc cổ (hạch lympho- nổi hạch phản ứng) – biểu hiện của nhiễm trùng.
  • Khó nuốt

Lưu ý:

  • Hạn chế giao tiếp trong ngày đầu.
  • Không sử dụng ống hút khi mới phẫu thuật.
  • Nuốt nước bọt, không khạc nhổ liên tục.
  • Không vén môi nhiều xem vết thương.
  • Không dùng tay chạm vào nơi phẫu thuật, lưỡi cũng tránh chạm nhiều ở vùng phẫu thuật.

Không vận động mạnh sau phẫu thuật 1 tuần.